Phân biệt thép tốt, thép xấu

6 Tháng Tư, 2019
Phân biệt thép tốt, thép xấu
10.0 trên 10 được 10 bình chọn

Hiện nay có rất nhiều loại hàng hóa bị làm nhái, làm giả trên thị trường hoặc là hàng từ Trung Quốc tuồn qua. Tất nhiên, thép cũng không ngoại lệ, nhất là những năm gần đây, ngành kinh doanh thép phát triển ổn định và có nhiều thuận lợi.

Nếu như sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, vậy sử dụng vật liệu xây dựng giả, kém chất lượng sẽ gây ra hậu quả gì? Ngôi nhà mới xây của bạn sẽ như thế nào nếu mua phải thép kém chất lượng, cây cầu lớn bắc qua sông ở những vùng thường xuyên có bão lũ sẽ ra sao nếu dùng thép giả, thép không đạt tiêu chuẩn để làm móng, mố, trụ cầu…

1. Nguyên nhân của hiện tượng làm giả thép

  • Các đại lý, công ty thương mại ham hàng rẻ, lợi nhuận cao, cầu lớn thì cung cao. Do đó, các cơ sở sản xuất bất hợp pháp lợi dụng cơ hội này, làm giả thép của những nhà sản xuất lớn, có uy tín và giá bán cao trên thị trường. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo và cẩn trọng khi lựa chọn thép cho dự án của mình.
  • Bằng mắt thường khó phân biệt và kiểm định được chất lượng của sản phẩm, vì màu sắc và kiểu dáng của thép thật và thép giả thường không khác nhau nhiều.  
  • Quy định pháp lý về thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa đủ để răn đe những tổ chức có hành vi sai trái, làm hàng giả, hàng nhái.

2. Phân biệt thép tốt, thép xấu 

Tất cả chúng ta đều hiểu rõ hậu quả nghiệm trọng khi sử dụng thép kém chất lượng, vậy làm cách nào để chúng ta có thể phân biệt được đâu là thép tốt, đâu là thép xấu, đâu là thép kém chất lượng và đâu là thép chất lượng cao, dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn có thể lựa chọn thép một cách sáng suốt.

  • Người tiêu dùng cần có một số hiểu biết nhất định về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn, đặc điểm cơ lý tính và mác thép trước khi mua hàng.
  • Liên hệ trực tiếp các nhà máy sản xuất, công ty thương mại có uy tín để đặt hàng.
  • Nếu bạn mua số lượng nhiều, nên đi cùng một người có kinh nghiệm và hiểu biết về vật liệu xây dựng để nhờ họ tư vấn.
  • Quan sát kĩ màu sắc của cây thép, thường những thanh thép thật có màu xanh đen (đối với thép hình U,I,V, thanh tròn, thanh vằn), màu sắc trên bề mặt thân thép đồng đều ở tất cả mọi vị trí. Những thanh thép giả, kém chất lượng thường có màu xanh đậm, nếu ta chịu khó quan sát ở những vị trí góc cạnh sẽ thấy màu sắc nhạt hơn và không đều nhau.
  • Quan sát các ký hiệu của nhà sản xuất có gân nổi trên bề mặt cây thép. Hầu hết tất cả các nhà sản xuất thép đều in logo, ký hiệu sản phẩm, mác thép, chứng nhận ISO lên cây thép, do đó, hãy chú ý những ký hiệu này xem có rõ rằng, dễ thấy hay không. Trường hợp những ký hiệu trên thanh thép mờ nhạt thường là thép bị làm giả hoặc kém chất lượng.
  • Tham khảo mức giá của loại thép đó trên thị trường, nếu là thép thật, thì giữa các đại lý hoặc công ty thương mại thường không chênh lệch nhiều về giá, do họ đều mua từ một nhà máy sản xuất, nếu giá quá thấp thì đây có thể là một dấu hiệu của hàng giả.
  • Thép thanh vằn, có các đường gân nổi lên cao, còn thép giả, thép kém chất lượng thường có đường gân thấp, không đều.
  • Thép chất lượng có bề mặt láng bóng, mịn màng, hình dạng đều nhau.
  • Thép kém chất lượng có độ uốn dẻo, sự kéo dãn thấp, thép giòn, dễ gãy, chất lượng thép trên thanh thép không đồng đều.​
  • Yêu cầu xem chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Hầu hết các nhà máy sản xuất đều đưa sản phẩm của mình đi kiểm định tại các trung tâm kiểm định uy tín. Mỗi mác thép đều có một giấy kiểm định khác nhau về thành phần hóa học, độ uốn, kéo, độ đàn hồi. Nếu nhà cung cấp có thể cho bạn xem những loại giấy tờ này thì bạn cũng có thể tạm thời yên tâm. 
  • Nếu dự án của bạn lớn, cần nhiều sắt thép thì nên yêu cầu mẫu thép từ nhà cung cấp và đến các cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm để trực tiếp kiểm tra một cách khách quan.

3. Tại sao thép kém chất lượng lại có những dấu hiệu đó

  • Do đơn vị làm giả sử dụng máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu để sản xuất thép.
  • Quy trình sản xuất thép không loại bỏ hết các tạp chất có lẫn trong hợp kim.
  • Quá trình tẩy rỉ bề mặt không thực hiện theo đúng như yêu cầu của quy trình chuẩn.
  • Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào kém chất lượng.  

4. Một số ví dụ minh họa về thép kém chất lượng, thép giả

  • Thép gầy: thực tế bằng mắt thường chúng ta khó nhận biết được kích thước của thép đủ hay thiếu, thông thường, nhà cung cấp sẽ gian lận và bán thép có đường kính nhỏ hơn so với thép đạt chuẩn kích thước tầm 0.5 – 0.8mm.
  • Trộn hàng giả và hàng thật lẫn vào nhau trong một bó thép.

5. Hậu quả khi thép giả có mặt trên thị trường

  • Các công trình, nhà cửa dùng thép để làm khung sườn chống đỡ sẽ không chắc chắn, dễ hư hỏng, dễ bị nứt, võng gãy, lún và sụp đổ, đặc biệt là không thể chống chịu được các đợt thiên tai hằng năm như ở Việt Nam.
  • Uy tín thương hiệu của những nhà sản xuất thép chất lượng bị ảnh hưởng.
  • Ngành thép cạnh tranh thiếu công bằng.

Thép giả, thép kém chất lượng thường rất khó để phân biệt, cách tốt nhất là tìm hiểu nguồn cung cấp thật kỹ, lựa chọn nhà cung cấp uy tín trên thị trường để mua vật liệu. Hãy là người tiêu dùng thông minh và là nhà cung cấp có tâm. Chúc các bạn lựa chọn được cho mình một nhà cung cấp thép tốt nhất. 

Danh Mục Sản Phẩm
Đối Tác